Kim Cương Toàn Tập (Phần 2)

Phân Loại Kim Cương Và Hướng Dẫn Bảo Quản

Diamonds are forever”- Kim cương là vĩnh cửu. Trong các loại đá quý thì kim cương được xem như là thủ lĩnh dẫn đầu về cả sự sang trọng, vẻ đẹp và tinh tế. Chính vì kim cương đắt và sang trọng như thế nên việc mua được một viên kim cương đã khó nhưng để hiểu biết về nó còn khó hơn. Chuỗi bài “Kim cương toàn tập” do team Saga sản xuất sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan về loại đá quý xa xỉ nhất trên thế giới này.

Đã bao giờ bạn tò mò một viên kim cương đẹp và tinh tế thì được định giá dựa trên những tiêu chí nào chưa? Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn về phân loại 4C (Color – Màu sắc, Carat – Trọng lượng, Clarity – Độ tính khiết và Cut – Dạng cắt) mà tất cả những người chơi kim cương cho dù là dân chuyên nghiệp hay chỉ là khách hàng nghiệp dư sử dụng để có thể đánh giá và lựa chọn những viên kim cương phù hợp với sở thích và phong cách của mình.

Phân loại kim cương

Color – Màu sắc

Mỗi viên kim cương được phân cấp theo tiêu chuẩn của GIA (Viện Ngọc học Hoa Kỳ). Một viên đá lý tưởng là viên không màu tuy nhiên thì hầu hết các viên kim cương thì đều có màu. Do đó, viên kim cương càng trong suốt thì càng quý hiếm và càng có giá trị. Dưới đây là bảng phân cấp màu theo tiêu chuẩn của GIA.

Carat – Trọng lượng

Kích thước của viên kim cương có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá trị của đá và trang sức kim cương. Nhìn chung, viên kim cương càng lớn thì càng có giá trị. Kim cương được chia thành carat và ponit với 100 point = 1.00 carat (theo hệ thống tiền tệ của Mỹ). Hãy nhớ trọng lượng carat đề cập đến trọng lượng, không nên nhầm lẫn với kích thước của kim cương (kim cương được đo bằng milimet). Bạn nên quan tâm nhiều hơn đến viên kim cương trông như thế nào hơn là trọng lượng của nó là bao nhiêu nếu bạn muốn trả tiền cho những viên kim cương đẹp chứ không phải là những viên kim cương có trọng lượng lớn. Dưới đây là phân cấp trọng lượng của kim cương và tỷ lệ giữa kích cỡ và trọng lượng nhằm giúp bạn định hình về viên kim cương mà bạn muốn sở hữu.

Clarity – Độ tinh khiết của kim cương

Mặc dù mọi người thường hay xem xét đến trọng lượng và hình thù của viên kim cương vì nghĩ là nó đắt giá, tuy nhiên có một yếu tố tinh tế hơn mà rất nhiều dân chơi chuyên nghiệp để tâm đến, một viên kim cương quý giá nằm ở độ tinh khiết của nó. Sự hiện diện của những khiếm khuyết, hoặc độ tinh khiết của một viên kim cương là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá giá trị của kim cương. Trong khi những người mua đồ trang sức kim cương có thể nhìn thấy những khiếm khuyết khi viên kim cương xuất hiện các vết nứt hoặc đốm rất nhỏ của cacbon đen. Những khiếm khuyết này thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà phải dùng kính lúp. Dưới đây là bảng phân cấp độ tinh khiết của kim cương.

Saga khuyên bạn nên lựa chon các viên từ VS2 (khuyết tật khó thấy) lên đến VVS2 (khuyết thật rất khó thấy), còn những viên SI1 đến I3 (khuyết tật dễ thấy và rất dễ thấy) thường những là viên chất lượng thấp hoặc những viên hoàn hảo quá như FL (sạch hoàn hảo) hay IF (rất sạch) thì rất hiếm người có đủ chi phí để mua được những viên như thế.

Cut – Dạng cắt của kim cương

Dạng cắt của một viên kim cương chính là hướng dẫn về phong cách hoặc thiết kế được sử dụng khi hình thành một viên kim cương để đánh bóng mà không đề cập đến hình dáng của viên kim cương. Người mua thường cân nhắc về hình dạng và sự xuất hiện của viên kim cương và  khả năng tỏa sáng của nó tuy nhiên dạng cắt ở đây đề cập đến sự tương xứng, cân đối và độ bóng của một viên kim cương và các tác động đến độ phát sáng của nó. Điều này có nghĩa nếu nó được cắt tỉa kém thì nó sẽ ít tỏa sáng hơn.

Dạng cắt không chỉ đề cập đến hình dạng của kim cương (ví dụ hình tròn, hình bầu dục, hình quả lê) mà còn đề cập đến tỷ lệ đối xứng và độ bóng của viên kim cương. Vẻ đẹp của một viên kim cương phụ thuộc nhiều vào dạng cắt hơn bất kỳ những yếu tố khác. Mặc dù rất khó để phân tích và định lượng tuy nhiên có ba tác động chính lên dạng cắt của kim cương: sự tỏa sáng, ánh sáng, và sự lấp lánh. Để có được một viên kim cương hoàn thiện thì viên kim cương thô phải được mài giũa một cách cẩn thận. Những viên mà được cắt theo hình tròn thì có giá đắt nhất vì nó phải được mài số lượng lớn. Vậy nên nếu bạn muốn thể hiện đẳng cấp của mình thì nên lựa chọn viên kim cương tròn to, nhưng nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí thì có thể cân nhắc đến các dạng cắt khác như cắt kiểu Princess (cắt vuông) hoặc cắt Emerald thì chi phí sẽ thấp hơn nhưng độ lấp lánh lại không bằng viên tròn. Những viên hình quả lê thì thường sử dụng cho đồ trang sức là hoa tai và mặt dây chuyền bởi vì hình thù của nó tiết kiệm được độ cắt và thường những viên không hoàn mỹ quá thì thường được cắt dạng quả lê. Do đó, Saga khuyên bạn với dây chuyền thì bạn nên chọn dạng cắt hình quả lê,  hoa tai thì nên chọn mặt vuông, chữ nhật hoặc mặt lê, với nhẫn thì nên chọn mặt tròn để thể hiện đẳng cấp chứ không nên chọn mặt lê.

Để có thể mua được một viên kim cương thì rất là tốn kém, nên những người sử dụng kim cương nên tự học hỏi về cách bảo quản kim cương để nó luôn sáng bóng và giữ được vẻ đẹp tinh tế hoàn mỹ. Mặc dù kim cương là một vật liệu rất bền, nhưng nó đòi hỏi phải có sự chú tâm đặc biệt trong cách bảo quản. Vì viên kim cương là món trang sức dễ dàng bảo quản nhất do độ bền vững của nó nên một khi đã mua được một viên kim cương tốt thì bạn phải biết cách chơi và bảo quản nó.

BẢO QUẢN KIM CƯƠNG

1. Sử dụng một chiếc hộp đặc biệt

Trước hết, Saga khuyên bạn nên lưu trữ những viên kim cương của bạn trong một hộp trang sức riêng biệt. Điều này thực sự quan trọng nếu bạn đang sở hữu đồ trang sức làm bằng kim cương. Mặc dù kim cương rất cứng, nhưng chúng có thể bị trầy xước bởi một viên kim cương khác khi chúng tiếp xúc với nhau trong điều kiện thích hợp. Một cách tuyệt vời để giảm thiểu vấn đề này đó là phải có sự phân chia hợp lý và ngăn cách trong hộp lưu trữ của bạn. “Đừng nên để các viên kim cương cạnh nhau”- Đó là lời khuyên hữu ích nhất.

2. Bạn nên làm gì khi đã có những thiệt hại từ trước?

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thiệt hại, bạn có thể cân nhắc lại việc đánh bóng hoặc chế tác viên kim cương của bạn, đặc biệt trong trường hợp một viên kim cương mẻ thì ngay lập tức bạn nên sửa chữa lại tất cả những thiệt hại để ngăn chặn việc nó sẽ nứt thêm. Bằng cách chăm sóc của kim cương và chú tâm tới những món đồ trang sức của bạn ít nhất mỗi năm một lần, bạn sẽ có thể bảo quản được đồ trang sức kim cương của bạn trong điều kiện tuyệt vời và chẩn đoán được bất kỳ vấn đề tiềm năng nào trước khi chúng bị đánh mất khỏi tay.

3. Hãy làm sạch kim cương thường xuyên

Một kế hoạch đơn giản để giữ đồ trang sức kim cương của bạn lúc nào cũng đẹp tuyệt vời, đó là để ngâm trong một dung dịch tẩy dầu mỡ nhẹ nhàng, ví dụ như nước hòa lẫn với một vài giọt xà phòng một hoặc hai lần một tuần. Sau đó, sử dụng một bàn chải mềm và sạch để loại bỏ bất kỳ bụi bẩn còn lại. Bàn chải đánh răng nên mới tinh và chỉ dành riêng cho việc làm sạch đồ trang sức của bạn. Hãy sử dụng nó để làm sạch tất cả những ngóc ngách của viên kim cương như mặt sau của nó, nơi mà chưa nhiều dầu và bụi bẩn nhất.

4. Hãy sử dụng một tấm vải mềm

Sau khi bạn đánh rửa kim cương bằng chiếc bàn chải mềm mại của mình, việc tiếp theo đó là chỉ cần rửa sạch đồ trang sức kim cương của bạn bằng nước và lau khô bằng một tấm vải mềm. Tấm vải sử dụng để lau chùi đá quý này rất lý tưởng để có thể loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn. Những vải này có sẵn tại hầu hết các cửa hàng gia dụng hoặc thông qua các cửa hàng của GIA.

5. Tuyệt đối không sử dụng các chất gây hại

Không bao giờ được sử dụng thuốc tẩy hoặc mài mòn (như chất tẩy rửa gia dụng hay kem đánh răng) khi làm sạch đồ trang sức kim cương. Hóa chất như clo có thể làm hỏng một số các kim loại được sử dụng để hợp kim vàng khi tái tạo kim cương và đá mài có thể gây trầy xước vàng và các kim loại khác.

6. Không nên đeo kim cương thường xuyên

Phải nói rằng có rất nhiều người có thói quen đeo kim cương thường xuyên, thậm chỉ cả trong lúc làm việc nhà. Saga khuyến cáo rằng bạn không nên đeo kim cương hàng ngày, mà chỉ nên sử dụng trong những dịp đặc biệt bởi nó có thể gây xước da hoặc nó có thể bị ảnh hưởng hoặc có thể bị rơi ra khi bạn đang sử dụng. Ngoài ra, hóa chất dính vào kim cương trong quá trình làm việc nhà, vô ý tiếp xúc có thể khiến kim cương rơi ra khỏi khuôn nhẫn.

Hy vọng những kiến thức về phân loại kim cương theo tiêu chí 4C và hướng dẫn bảo quản trên đây phần nào giúp bạn hiểu về những đặc tính của kim cương cũng như  các mẹo để giữ cho viên kim cương của bạn luôn sáng bóng và trường tồn với thời gian.

0937 552 262