Hiện nay thông tin về kim cương tổng hợp ở Việt Nam còn hạn chế và có nhiều luồng thông tin khó có thể kiểm chứng, công ty AD xin chia sẻ lại thông tin buổi hội thảo do PNJ tổ chức để quý khách hàng theo dõi:
Sáng 15/12/2016, tại hội thảo Kim cương Tổng hợp CVD vừa được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM và công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Qúy Phú Nhuận (PNJ) phối hợp tổ chức tại TP.HCM. Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kim cương đá quý vừa có những công bố về một loại kim cương tổng hợp CVD (Chemical Vapor Deposition) xuất hiện trên thị trường kinh doanh kim cương cũng như trang sức kim cương Việt Nam gần đây.
Trình bày tại hội thảo, ông Lê Hữu Hạnh – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá Qúy TP.HCM, Phó Tổng Giám đốc công ty PNJ, Chủ tịch HĐQT công ty Giám định PNJLab cho biết, hiện nay, kim cương tổng hợp CVD đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên hội Kim hoàn cũng như các đơn vị trong ngành khuyến nghị không nên kinh doanh loại kim cương này. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp mua sản phẩm kim cương giá cao nhưng thực chất chỉ là CVD “đội lốt” và mức giá của loại kim cương này chỉ bằng khoảng 30% giá kim cương thật. Mới đây, CVD còn xuất hiện dưới dạng các size nhỏ 1,5 – 3 ly, thường được sử dụng làm hột cho các sản phẩm vỏ kim cương hoặc các sản phẩm cao cấp có hột phụ là kim cương (gọi là kim cương tấm) rất khó phân biệt. Thậm chí, các doanh nghiệp kinh doanh kim cương đá quý cũng đành bó tay. Đây chính là một trong những yếu tố khiến thị trường kinh doanh kim cương và trang sức kim cương giảm đi sự minh bạch và trên hết, quyền lợi của người tiêu dùng không được đảm bảo.
“Với vị thế là thương hiệu trang sức và kim cương hàng đầu Việt Nam, PNJ luôn nổ lực để cập nhật, chia sẻ những kiến thức mới, kinh nghiệm về ngành trang sức, kim cương, đá quý đến các doanh nghiệp trong ngành và cho khách hàng; từ đó góp phần minh bạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Hạnh chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia, đến nay vẫn chưa biết rõ CVD chính thức xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào thời gian nào. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2003 – 2008, các loại thiết bị Ngọc học như kính hiển vi, kính lúp, … có thể nhận biết được loại kim cương này. Ngày nay, khi trình độ khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, CVD được sản xuất với độ tinh xảo cao, do vậy có thể nói 100% các loại máy nêu trên không còn nhận biết chính xác.
Chia sẻ thêm về cách phân biệt CVD với kim cương thiên nhiên, ông Đặng Ngọc Thảo – Giám đốc công ty giám định PNJLab cho rằng hiện nay có nhiều loại máy móc hiện đại hơn và đạt tiêu chuẩn quốc tế được dùng để nhận biết KCTH nói chung và KCTH CVD nói riêng, như DiamondSure, DiamondView, Diamond Check,…. Mỗi loại máy sẽ có một công nghệ khác nhau để phân biệt hai loại kim cương này. Ví dụ như khi đưa kim cương vào máy DiamondView để nhận biết, nếu kim cương thiên nhiên sẽ phát quang màu xanh, kim cương tổng hợp CVD sẽ phát quang màu đỏ cam. Tuy nhiên, giá thành của các loại máy móc này tương đối cao.
Ngoài ra, bà Đoàn Thị Anh Vũ – Thạc sĩ, Giảng viên trường Đại học Khoa học Tự Nhiên TP.HCM cũng chia sẻ: “CVD nói riêng và KCTH nói chung có thành phần hóa lý hoàn toàn giống với kim cương thiên nhiên. Tuy nhiên, cần có khái niệm rõ ràng giữa kim cương tổng hợp và kim cương giả bởi kim cương tổng hợp không phải là kim cương giả, chúng được sản xuất trong phòng thí nghiệm với thời gian khá ngắn so với kim cương thiên nhiên.”
Về phía PNJ cũng có cùng quan điểm với những cảnh báo trên bởi công ty luôn quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tính minh bạch trên thị trường ngành kim hoàn. Song song đó, các chuyên gia của PNJ trong lĩnh vực kiểm định kim cương, đá quý luôn không ngừng nghiên cứu, cập nhật thông tin, xu hướng và các thiết bị máy móc hiện đại trên thế giới áp dụng vào doanh nghiệp nhằm cung cấp đến người tiêu dùng những sản phẩm trang sức chất lượng. Vậy kim cương tổng hợp là gì? Kim cương tổng hợp (KCTH) tên tiếng Anh là Synthetic Diamond, được tạo ra trong phòng thí nghiệm với thời gian tương đối ngắn, có thành phần hóa lý hoàn toàn giống kim cương thiên nhiên. Cụ thể, KCTH có thành phần hóa học là C; trọng lượng riêng là 3,52; chiết xuất 2,417. Loại kim cương này không phải là đá nhái (Simulant Diamond) như CZ, Moissanite. Một số thành phần hóa lý của kim cương tổng hợp so với kim cương thiên nhiên
Loại | TPHH | H | SG(trọng lượng riêng) | RI(chiết xuất) | Độ tán sắc |
Kim cương thiên nhiên | C | 10 | 3,52 | 2,417 | 0,044 |
CVD | C | 10 | 3,52 | 2,417 | 0,044 |
HPHT | C | 10 | 3,52 | 2,417 | 0,044 |
Có 2 phương pháp cơ bản để tổng hợp nên KCTH. Thứ nhất là phương pháp cao áp cao nhiệt HPHT, sử dụng nhiệt độ và áp suất cực kỳ cao nhằm tái tạo môi trường giống như môi trường tái tạo kim cương trong lòng đất. Phương pháp thứ hai là bốc hơi lắng tụ hóa học CVD, sử dụng bốc hơi hóa học của hợp chất khí Carbon được tác động của tia nhiệt plasma tạo sự phân chia phân tử khí cho đến khi chỉ còn lại nguyên tử C lắng tụ và phát triển trên mầm kim cương có sẵn. Sự phát triển của kim cương tổng hợp CVD Kim cương tổng hợp CVD được công bố tổng hợp thành công từ năm 1952. Lần tổng hợp đầu tiên là tổng hợp 1 tinh thể/ 1 lần tăng tưởng, do vậy có chất lượng thấp.
Đến nay, đã tổng hợp được 50 tinh thể/1 lần tăng trưởng, chất lượng cao và kích thước lớn, có thể sản xuất đại trà trong tương lai gần. Qúa trình tổng hợp CVD sẽ chỉ có hiệu quả cao hơn nếu được nhà máy sản xuất với quy mô lớn và có kinh nghiệm sản xuất.
Thứ nhất, giá thành của quá trình cắt mài và đánh bóng kim cương CVD tương đương kim cương thiên nhiên, để có những sản phẩm đẹp thì phải tốn chi phí cho những nghệ nhân có tay nghề cao.
Thứ hai, năng lượng điện cẩn thiết để tạo ra một carat kim cương so với chi phí mầm hoặc buồng tăng trưởng thì không đáng kể, nhưng đây cũng có thể là một chi phí lớn và có thể tiếp tục tăng lên trong tương lai, ít khả năng giảm.
Chi phí thứ ba là mầm, đây chính là chi phí đáng kể và rất khó để tìm vật liệu nào rẻ hơn để thay thế cho mầm kim cương. Số lượng lẫn chất lượng của loại kim cương tổng hợp CVD không màu tăng lên rất mạnh và được nhiều công ty đầu tư tiến hành sản xuất, phân phối. Với máy móc ngày càng cải tiến, màu sắc, độ tinh khiết và trọng lượng của loại kim cương này ngày càng được nâng cao hơn. Ngoài CDV, HPHT cũng có mặt trên thị trường Việt Nam vào năm 1990.
Nguồn theo công ty PNJ