“Nước Sở có người họ Hòa, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: Đá, không phải ngọc. Vua cho người họ Hòa là nói dối, sai chặt chân…” Câu chuyện “Viên ngọc họ Hòa” được chép trong “Cổ học tinh hoa” cùng lời bàn: “…Người họ Hòa không đau vì nỗi hai chân bị chặt, chỉ đau vì nỗi ngọc mà cho là đá”.
Thuật lại câu chuyện trên để thấy việc phân biệt đồ quý thật giả khó khăn là thế. Thời xưa, việc giám định ngọc vẫn được trân trọng gọi là “biện ngọc”, ngày nay thì gọi là “kiểm ngọc”. Còn giám định kim cương, đá quý theo phương pháp khoa học và bằng các thiết bị hiện đại được gọi là “ngọc học” (gemology). Ở Việt Nam “nhà ngọc học” đầu tiên là GS Địa chất Phan Trường Thị.
Sinh ra ở một làng nghèo thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có lẽ chính ông cũng không ngờ sau này mình sẽ đặt dấu chân khắp đất nước. Hai năm sau tập kết, năm 1956, ông theo học ngành Địa chất thăm dò ĐH Bách Khoa; năm 1981, nhận học vị tiến sĩ ĐH Tổng hợp Lomonosov. Ông thuộc “lứa” thứ ba được nhận học hàm giáo sư ngành Địa chất chỉ sau GS Nguyễn Văn Chiển – người mà cả ngành Địa chất Việt Nam gọi là thầy.
Phóng khoáng, quảng giao, mới tiếp xúc người ta dễ tưởng vị giáo sư gốc nam Trung Bộ này gốc gác “anh Hai Nam Bộ”. Thế nhưng trong khoa học, ông lại là người kín tiếng. Ít người biết, bằng kiến thức thạch học uyên thâm, ông còn có nhiều đóng góp “nền tảng” nhiều đại công trình như thủy điện Hòa Bình, Trị An, và gần đây là Sơn La.
Đang từ những nghiên cứu vĩ mô về thạch quyển với những đề tài chỉ “nghe đã thấy to” như “Xác lập những cơ sở khoa học cho việc đánh giá tiềm năng các nguồn nguyên liệu hạt nhân”, “Sự tiến hóa thành phần vật chất và chế độ địa động phần rìa địa khối Indonesia trong mối tương tác với mảng Thái Bình Dương” (đề tài cấp nhà nước 1992 – 1995), khoảng 15 năm trở lại đây, ông đột ngột chuyển hướng nghiên cứu sang những đối tượng nhỏ bé: đá quý. Đó chính là thời điểm người ta phát hiện ra những mỏ đá quý ở Bắc Cạn, Nghệ An…”. Hồi đó ta chảy máu hồng ngọc sang Thái Lan rất dữ. Nhiều viên ngọc trị giá hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn “đô” rơi vào tay các tiệm kim hoàn nhỏ ở Thái Lan với giá có khi chỉ bằng một phần mười”. Những tay kiểm ngọc thời đó hầu hết chỉ phán theo kinh nghiệm, có thể sẵn sàng nâng hay hạ giá trị ngọc nếu gặp khách hàng lớ ngớ.
“Đánh giá đá quý thực ra cũng phải có kiến thức căn bản về địa chất. Ở Việt Nam, đã có những người bỏ hơn chục nghìn “đô” để học một cua kiểm ngọc ba tháng, sáu tháng ở Mỹ. Nhưng không có kiến thức cơ bản thì không thể nắm được hết những tinh tế của ngành này” – GS Thị nói.
Lai lịch một viện nghiên cứu tư nhân
Một ngôi nhà nhỏ nằm trên con phố vắng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Người ra người vào đều lặng lẽ, một số trong họ là “đại gia”. Đó là Viện Đá quý – Trang sức do GS Thị sáng lập. Thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam và được Bộ KH&CN cấp giấy phép hoạt động từ năm 2000, song thiết bị thí nghiệm của Viện đều do GS Thị bỏ tiền mua: từ kính hiển vi ngọc học có lắp cáp quang, đèn chiếu tia cực tím sóng dài và sóng ngắn, quang phổ kế đến máy đo chiết suất… đều là những loại mới nhất, tổng trị giá gần 200.000 USD. “Đây là phòng thí nghiệm tư nhân hiếm hoi ở Việt Nam” – GS Thị tự hào – “…và doanh thu mỗi tháng cũng tới 20- 30 triệu đồng”.
Lĩnh vực hoạt động của Viện tập trung vào nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong điều tra địa chất, thăm dò khai thác đá quý, chế tác đá quý và trang sức; chuyển giao công nghệ kiểm định đá quý và trang sức; đào tạo chuyên môn. Viện đã hợp tác với một số viện ngọc học uy tín trên thế giới như Viện Ngọc học Hoa Kỳ, các phòng kiểm định đá quý ở Pháp, Thuỵ Sỹ, Đức…
Viên kim cương/ đá quý sau khi qua các khâu kiểm định được bọc vào một lớp giấy bóng cứng có in mã vạch và kèm theo đó là một chứng thư kiểm định ghi các thông số xác minh của viên kim cương hay viên đá quý đó cùng với những chứng nhận pháp lý. Viện Đá quý – Trang sức hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thông số đã kiểm định. “Nếu chứng nhận đá giả là thật, chúng tôi sẽ phải bồi thường bằng đúng bằng giá trị đá thật!”
Liệu có mâu thuẫn giữa một cơ sở kinh doanh phải giấu “bí quyết nhà nghề” với một viện nghiên cứu có mục đích phổ biến kiến thức?
“Không hề! Điều chúng tôi muốn là phổ biến ngành ngọc học để thị trường đá quý ở Việt Nam đi vào quy củ. Tôi đã đi dạy phương pháp kiểm định đá quý ở rất nhiều nơi. Không ít học trò của tôi trở thành người đứng đầu các phòng kiểm định của những công ty lớn như Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, SJC…”.
Một mong muốn nữa của GS Thị là làm sao ngăn nạn chảy máu đá quý. Ông trầm ngâm: “Rất tiếc là chúng ta còn chưa tiến hành khảo sát nghiêm túc để có đánh giá rõ ràng về nguồn tài nguyên này.”
Sự thật trị giá nghìn vàng
“Hễ hoàn hảo, không tì vết, thì là… giả”. Gần 15 năm, tận tay tận mắt giám định không biết bao nhiêu kim cương, hồng ngọc… GS Thị rút cho mình một “bài học nhân sinh” như vậy. Cũng nhờ công việc này mà ông đã biết thêm bao nhiêu nhân tình thế thái. Đã có bao lời đề nghị ông nâng mức kim cương lên 1-2 bậc. Chỉ như vậy, giá trị viên kim cương sẽ tăng lên cả nghìn USD, và họ sẵn sàng “lại quả”. “Việc các trung tâm kiểm định đánh giá chênh lệch nhau 1-2 bậc là thường. Nhưng tất nhiên không đời nào tôi làm vậy”.
Một đại gia đến nhờ ông kiểm nghiệm viên “dạ minh châu” mua mất 500.000 USD, tính năng như trong truyền thuyết: “đông ấm, hè mát, đêm phát sáng”. GS Thị xác định ngay: “Giả”. Vị “đại gia” kia thản nhiên về. Có người lại mang đến cho ông giám định cả “lô” kim cương 200 viên. Kết luận: hai phần ba là kim cương giả trộn kim cương thật! Vị khách đứng như trời trồng, mặt cắt không còn một hột máu.
Nhằm “tâng” giá trị của kim cương, người ta có thể tạo màu sắc giả cho kim cương bằng cách áp dụng công nghệ phóng xạ. Trong tình huống đó, để có kết quả thẩm định chính xác màu sắc thực của kim cương, người thẩm định phải phối hợp với thiết bị hiện đại của các viện nghiên cứu, trường đại học. Cũng có trường hợp ông và đồng sự phải bó tay vì chưa đủ phương tiện hiện đại để phân tích.
“Bây giờ kim cương giả từ Trung Quốc rất nhiều” – GS Thị nói -“Nhưng buồn nhất khi xác định đồ gia bảo là giả. Lúc đấy chỉ còn biết lựa lời an ủi người ta”.
Tuy nhiên cũng có trường hợp ngược lại: Một người nông dân tìm được một viên “ngọc ốc”, định bán với giá vài trăm nghìn; nhưng khi được GS Thị tư vấn, người nông dân nọ đã bán được viên ngọc cho một nhà sưu tập người nước ngoài với giá lên tới 30.000 USD!
Một đồng nghiệp của GS Thị kể: Khi phát hiện viên hồng ngọc 2.1 kg, lớn nhất nước từ trước tới nay, người ta đã định “xẻ” đem bán. Biết tin đó, GS Thị đã thuyết phục bảy bộ trưởng đặt khối hồng ngọc này trong bảo tàng Kho bạc Nhà nước, là vật báu của quốc gia.